Vào đầu năm 2014, tỉ lệ người Việt Nam truy cập Internet lên đến khoảng 34 triệu người theo số liệu thống kê mới nhất của IDG Leadership Academy.
Trung bình 1 người dành 2 giờ 23 phút để truy cập vào các mạng xã hội. 20% dân số VN sử dụng smartphone, trong đó: 97% sử dụng dịch vụ tìm kiếm địa điểm qua điện thoại, 95% tra cứu thông tin sản phẩm, 60% dùng dịch vụ thanh toán trực tiếp.
Thị trường Marketing trực tuyến – Mảnh đất của cơ hội
Từ các số liệu trên, cho thấy Việt Nam đang là một thị trường trực tuyến béo bở, có nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác, đặc biệt là các Digital Marketing Agency. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với IDG Leadership Academy, ông Ngô Minh Thuận nhận định: “Bắt kịp với xu hướng mới, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư ngân sách cho Digital Marketing, tạo ra một bức tranh đầy sắc thái và đa dạng. Với sự phổ biến của mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng, càng có nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp đang tìm cách khai thác và tương tác với người dùng trên những thiết bị di động. Đây là 1 điều đáng mừng!”
Dễ nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam tập trung sử dụng Digital Marketing vì hai mục đích: Một là quảng bá và củng cố thương hiệu, hai là nâng cao doanh số và mở rộng thị phần thông qua e-commerce. Và như một lẽ tất yếu, Digital Marketing đang trở thành một thị trường hấp dẫn cho cả lĩnh vực kinh doanh B2B và B2C. Trong năm 2013, thị trường Marketing trực tuyến tại Việt Nam chứng kiến sự lên ngôi của rất nhiều thương hiệu lớn như Tide với chiến dịch Biệt đội siêu tốc, Chợ tốt với các tiểu phẩm hài kết hợp cùng MC Trấn Thành, …
Không những thế năm 2013 còn là năm vàng của thương mại điện tử với 57% người Việt Nam truy cập Internet có tham gia mua sắm trực tuyến. Với sự nổ rộ của nhu cầu mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ làm hài lòng các thượng đế của mình.
“Năm 2013 chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của các loại hình giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C). Mức độ và hiệu quả sử dụng email của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng email để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.
Đồng thời, có tới 43% doanh nghiệp đã có website và 35% doanh nghiệp đã nhận đơn đặt hàng qua website, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 29% của năm 2012. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã sử dụng website một cách hiệu quả hơn.” (Trích – Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2013, VECOM)
Vẫn còn nhiều thách thức
Cùng với việc số lượng người dùng sử dụng Internet ngày càng tăng, nội dung các chiến dịch Digital Marketing ngày càng đa dạng và sự ra đời của hàng loạt agency những năm gần đây, tưởng chừng mọi thứ đều thuận lợi nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách. Theo nhận định của anh Nguyễn Tiến Huy – Giám đốc Kỹ thuật số của OgilvyOne Worldwide Vietnam: “Cái khó đầu tiên mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là con người, bước vào một sân chơi mới với luật chơi mới đòi hỏi những người làm marketing phải thay đổi các định kiến và tư tưởng về marketing. Bên cạnh đó, việc thiếu phương thức đánh giá hiệu quả cũng là một khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại thử cái mới”. Thật vậy, với một thị trường nhân lực còn thiếu chuyên môn, đa số là vì đam mê nên theo đuổi mà chưa dc đào tạo kiến thức bài bản, sự thay đổi xu hướng, công cụ, thì diễn ra trong nháy mắt khiến các doanh nghiệp lúng túng trước nhiều lựa chọn cùng sự cạnh tranh khốc liệt từng ngày.
Ngày nay dưới sự hỗ trợ của Digital Marketing khi mà tốc độ lan truyền tin tức gia tăng một cách chóng mặt, việc kiểm soát thông tin và nội dung lan truyền ra bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Tiếng xấu thì đồn xa, chỉ cần doanh nghiệp sơ hở và không cẩn thận chỉ cần một câu nói từ một nhân viên bình thường trong công ty thôi cũng có thể trở thành một tai tiếng được truyền rộng khắp nơi, lúc đấy mặc dù mức độ nhận biết thương hiệu rộng nhưng lại chẳng có khách hàng nào sử dụng sản phẩm. Điển hình tại Việt Nam, chỉ vì tai tiếng trong khâu sản xuất mà một thương hiệu bột ngọt nổi tiếng đã phải trả một cái giá quá đắc, mất đi vị thế dẫn đầu của mình và các đoạn quảng cáo của thương hiệu này thì hầu như biến mất trên sóng truyền hình.
Lời kết
Khi nhu cầu thị trường xuất hiện, cơ hội cho doanh nghiệp tăng lên, nhưng những khó khăn, thách thức cũng vì đó mà không ít đi. Điều này đòi hỏi các công ty phải tạo ra khác biệt, đột phá và tạo cho mình một hướng đi tiên phong. Không những trong việc tìm ra những ý tưởng độc đáo cho các dự án, mà còn phải thành thạo, chuyên nghiệp hơn trong việc sử dụng các công cụ dành cho lĩnh vực Digital Marketing.
Theo dự báo IDG Leadership Academy , vào năm 2014 kim chỉ nam cho các doanh nghiệp là xu hướng Content Marketing. Những clip có âm thanh, hình ảnh với thời lượng ngắn, nội dung súc tích, tận dụng thói quen sử dụng các thiết bị di động của người dùng sẽ mang lại hiệu quả lan truyền cao. Các doanh nghiệp sẽ phải chú trọng hơn trong việc tạo ra các nội dung đơn giản mà hấp dẫn và có ích. Các chiến lược marketing phải hướng được người xem hiểu rằng đó là những câu chuyện về thương hiệu chứ không phải một chiến dịch quảng cáo. Bên cạnh Content Marketing thì Social CRM cũng như Mobile Marketing, SEO … sẽ là những xu hướng thống lĩnh thị trường Digital Marketing trong thời gian tới đây.
Ngoài ra, theo anh Võ Trùng Dương, Giám đốc kinh doanh của OhYeah Communications: “Để lựa chọn được công cụ thực hiện Digital Marketing hiệu quả thì phải dựa vào mục tiêu mà doanh nghiệp muốn. Nếu doanh nghiệp hướng tới việc duy trì mối quan hệ với khách hàng, thì hai công cụ mà doanh nghiệp nên dùng là Email Marketing và Facebook Fanpage”.
Như vậy, nếu muốn phát triển lớn và mạnh hơn nữa, các doanh nghiệp phải biết nắm bắt xu thế trên và tận dụng tối đa nguồn lực mà mình đang có để tạo ra những dự án quảng bá sản phẩm thành công. Từ đó, nâng tầm của ngành Digital Marketing ngang với các quốc gia trong khu vực như Thailand, Singapore, Malaysia….